Thiếu trải nghiệm nhiều người có bằng nhưng chưa lái được xe ô tô

Để điều khiển một chiếc xe lăn bánh là nhờ kỹ thuật, nhưng để chiếc xe đó lăn bánh an toàn lại là một nghệ thuật và sự trải nghiệm.

Tôi là một người đang công tác trong lĩnh vực đào tạo lái xe ôtô. Cứ mỗi lần nghe thông tin từ báo chí rằng có tai nạn nghiêm trọng xảy ra do người lái có kỹ năng lái xe kém hay do đạp nhầm chân ga… tôi và đồng nghiệp cảm thấy bản thân mình như cũng có một phần lỗi trong đó. Chúng tôi tự hỏi bản thân rằng phải làm gì để góp phần giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc như thế xảy ra?

Thứ nhất, tính đặc thù của công việc lái xe: 

Khi bạn làm những công việc khác, nếu như gặp khó khăn, bạn còn có thời gian “tư duy” để tìm hướng giải quyết vấn đề. Còn khi lái xe, bạn phải xử lý tình huống bằng phản xạ, bằng kinh nghiệm, với một kỹ năng lái thuần thục, chứ không hề có thời gian để tư duy tìm hướng giải quyết. Cho nên, để có được kinh nghiệm, bạn cần phải được trải nghiệm càng nhiều càng tốt.

Xem thêm: Xe tải chuyển trọ chuyển nhà giá rẻ Bình Dương

Thứ hai, tình hình giao thông thực tế: 

Nếu được mô tả về tình hình giao thông thực tế tại Việt Nam (đặc biệt tại các thành phố lớn), tôi chỉ cần sử dụng hai từ “hỗn loạn” là đủ. Khi ra đường, có vô vàn tình huống người lái cần phải xử lý (tắc đường, chạy lấn làn, cắt mặt, tạt đầu, lạng lách đánh võng, say rượu, chuyển hướng không quan sát hoặc thiếu xi nhan, vượt đèn đỏ…). Chỉ cần người lái thiếu tập trung, non kinh nghiệm hay kỹ năng lái kém là có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào.

Tất cả những “kịch bản” vừa kể trên, giáo viên dạy lái không thể nào đem hết vào giáo án để hướng dẫn và chia sẽ cùng học viên. Chúng tôi chỉ có thể dừng lại ở mức độ hướng dẫn, trang bị cho học viên những kỹ thuật, kỹ năng cơ bản để điều khiển một chiếc xe lăn bánh an toàn trên đường, trong một môi trường giao thông của những “người tử tế”. Và cơ quan quản lý Nhà nước về sát hạch, cấp giấy phép lái xe cũng không thể nào đưa hết tất cả những “kịch bản” tôi vừa kể trên vào nội dung bài thi sát hạch sa hình và đường trường để kiểm tra chất lượng “đầu ra” của một học viên.

Trong bài thi sát hạch sa hình hạng B2, có hai bài ghép xe vào nơi đỗ: Ghép xe dọc – bài thi này rèn cho học viên kỹ năng điều khiển xe lùi vào nơi đỗ có giới hạn hai bên (ví dụ như lùi vào cổng nhà hoặc lùi vào bãi đỗ giữa hai xe) và ghép xe ngang – bài thi này rèn cho học viên kỹ năng điều khiển xe đỗ cập lề đường khi có xe đang đỗ phía trước và phía sau. Những “chướng ngại vật” này trong bài thi sa hình được mô phỏng bằng ống hơi cảm ứng đặt trên nền đường và yêu cầu bánh xe không được đè lên (mỗi lần đè ống hơi trừ năm điểm). Khi hướng dẫn cho học viên, giáo viên phải chỉnh gương chiếu hậu cụp xuống để nhìn thấy được ống hơi khi tập lùi xe. Mỗi khi gương chiếu hậu chỉnh cụp xuống như vậy, học viên không còn cảm nhận được bằng trực quan không gian hai bên và phía sau đuôi xe.

Tôi vẫn thường chia sẽ với học viên rằng, để có được kỹ năng lùi xe tốt, bạn cần phải có đủ hai yếu tố: thứ nhất, cảm giác hình học không gian hai chiều trên một mặt phẳng của xe, tức là trục dọc của xe và trục ngang vuông góc với trục dọc. Thứ hai, phải cảm nhận được bằng trực quan không gian hai bên và phía sau đuôi xe thông qua gương chiếu hậu. Nên đa số học viên khi vừa mới có bằng, thường không đủ tự tin và kỹ năng để đưa xe vào nơi đỗ theo ý muốn. Để khắc phục được điều này, người mới có bằng chỉ cần bổ túc tay lái (có giáo viên hướng dẫn) để lùi xe thực tế vào cổng nhà hoặc bãi đỗ xe đang có hai xe đỗ hai bên khoảng ba giờ thực hành là đạt yêu cầu.

Thứ ba, đối với người học: 

muốn có kỹ năng lái tốt, đòi hỏi người học phải được đào tạo bài bản, nắm bắt được những kỹ năng (kỹ thuật lái) để điều khiển xe và phải có kỹ năng thuần thục để điều khiển xe trong bài thi sát hạch sa hình và đường trường. Sau khi được cấp bằng, bạn cần phải có thêm thời gian thực hành, bổ túc tay lái để trải nghiệm thực tế, tích lũy kinh nghiệm, mới có thể đủ tự tin điều khiển xe lưu thông trên đường. Đừng vội nghĩ rằng, có bằng là có thể lái được xe. Hãy tham khảo và vận dụng quy luật “lượng – chất” trong Triết học phương Tây vào quá trình học lái – thi sát hạch – lái xe bạn nhé. Chúc các bạn nhiều sức khỏe và lái xe an toàn.

admin

admin

error: Content is protected !!